DINH DƯỠNG CHO HỆ MIỄN DỊCH: NÊN ĂN GÌ?

DINH DƯỠNG CHO HỆ MIỄN DỊCH: NÊN ĂN GÌ?
Ngày đăng: 17/09/2021 09:52 AM

DINH DƯỠNG CHO HỆ MIỄN DỊCH: NÊN ĂN GÌ?

Theo Bộ Y tế, khoảng 80% người mắc virus Delta (B.1.617) chỉ xuất hiện một số triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Sau giai đoạn toàn phát 7 – 10 ngày, nếu không xuất hiện hội chứng suy hô hấp cấp, người bệnh sẽ hết sốt và những triệu chứng lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh. Vì thế, để nâng cao sức đề kháng chống lại virus, ngoài việc trang bị kiến thức bệnh, thuốc và các loại thiết bị theo dõi sức khỏe, một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất và cân bằng các yếu tố đa lượng, vi lượng là điều mà bất kỳ người bệnh nào cũng cần ưu tiên

 

1. Lưu ý khi chăm sóc dinh dưỡng cho người nhiễm COVID-19

Mục tiêu điều trị dinh dưỡng là đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất cho cơ thể. Từ đó, người bệnh có thể phòng tránh nguy cơ sụt cân, suy dinh dưỡng, cải thiện triệu chứng bệnh và rút ngắn thời điều trị. Trong chế độ ăn uống của mình, người bệnh cần lưu ý một số điều dưới đây:

  • Ăn đủ 3 bữa mỗi ngày, bổ sung những bữa phụ để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất cho cơ thể. Trẻ dưới 24 tháng tuổi cần tiếp tục nuôi bằng sữa mẹ kết hợp những bữa ăn bổ sung hợp lý theo hướng dẫn bác sĩ.
    Bổ sung nhiều nhóm thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, các loại đậu… Lợi ích của nhóm thực phẩm này là duy trì hệ thống miễn dịch, giúp cải thiện triệu chứng bệnh.
  • Ăn nhiều rau quả tươi: Bạn nên ưu tiên những loại rau có màu xanh đậm, củ nhiều màu sắc và quả chín. Rau quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp người bệnh tăng đề kháng để chống lại virus gây bệnh.
    Không kiêng khem thực phẩm nếu người bệnh không có chỉ định từ bác sĩ. Bạn nên cố gắng ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau trong một bữa ăn và trong một ngày.
  • Tránh sử dụng thức uống có cồn và những loại thực phẩm có hại cho cơ thể như các món ăn liền, chế biến sẵn chứa nhiều mỡ động vật, đường hay nhiều muối; thực phẩm để quá lâu… Thức ăn cần được nấu chín và ăn ngay sau khi nấu.
  • Uống đủ lượng nước theo nhu cầu cơ thể, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi. Người bệnh cần bổ sung trung bình 2 – 2,5 lít mỗi ngày và ưu tiên nước ấm. Lưu ý: Không cần đợi đến lúc thật khát rồi mới uống mà hãy uống nước thường xuyên.
  • Thai phụ, trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn tuổi có thể sử dụng thêm những loại đa vi chất dinh dưỡng như viên đa vi chất cho thai phụ, bột đa vi chất cho trẻ em và một số sản phẩm chứa lượng dinh dưỡng dồi dào theo sự tư vấn của nhân viên y tế.
  • Lưu giữ thực phẩm chín và sống trong những dụng cụ chứa khác nhau, ở những khu vực khác trong bếp và tủ lạnh.

Người bệnh nên dựa theo sở thích ăn của mình để lên kế hoạch ăn uống. Điều này sẽ giúp gia tăng sự thèm ăn, bổ sung nhiều thực phẩm có lợi cho cơ thể. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo cân bằng giữa yêu cầu dinh dưỡng và sở thích cá thân.

chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân covid

2. Những nhóm thực phẩm bệnh nhân COVID-19 cần bổ sung

Dưỡng chất vô cùng cần thiết cho những phản ứng sinh hóa quan trọng bên trong cơ thể nhằm chống lại virus gây bệnh. Dù ở bất kỳ độ tuổi nào, người bệnh cũng cần cung cấp đủ những nhóm thực phẩm này:

2.1. Nhóm thực phẩm giàu vitamin C

Vitamin C tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch thông qua hỗ trợ sản xuất interferon. Đây là một loại protein giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, là thành phần đạm quan trọng trong hệ miễn dịch. Vitamin C còn hỗ trợ chức năng tế bào cho hệ thống đáp ứng miễn dịch, chức năng hàng rào nội mạc phòng chống yếu tố gây bệnh và tăng cường hoạt động loại bỏ chất gây oxy hóa nhằm bảo vệ cơ thể. Khi thiếu vitamin C, cơ thể sẽ bị suy giảm khả năng miễn dịch và dễ bị nhiễm trùng. Vitamin này có nhiều trong hoa quả, trái cây và rau tươi như bưởi, cam, quýt, ổi, đu đủ, táo, xoài, kiwi, nho, súp lơ, cà chua, ớt, rau ngót, rau chân vịt…

2.2. Nhóm thực phẩm giàu vitamin D

Vitamin D là một loại vitamin tan trong chất béo, có liên quan đến nhiều chức năng khác nhau của hệ miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Vitamin này có nguồn chính là tổng hợp ở da dưới sự ảnh hưởng của bức xạ tia cực tím mặt trời B (UV-B) chiếm 80% – 90% và chế độ ăn uống chiếm 10% – 20%. Để cơ thể bổ sung đủ lượng vitamin D, bạn cần để da tiếp xúc với ánh mặt trời khoảng 15 – 30 phút mỗi ngày, tăng cường những thực phẩm giàu vitamin D như các loại sữa, lòng đỏ trứng, cá hồi, cá ngừ, sò, tôm, nấm, gan bò, ngũ cốc, bột yến mạch…

2.3. Nhóm thực phẩm giàu vitamin A

Vitamin A có vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp, đường tiêu hóa. Sản xuất những kháng thể trên bề mặt niêm mạc giúp phòng chống sự tấn công của virus COVID-19. Người bệnh có thể bổ sung nhóm thực phẩm giàu vitamin A vào bữa ăn hàng ngày như cá trích, khoai lang, cà rốt, bí đỏ, bí đao, đậu mắt đen, cà chua, rau bina, bông cải xanh, ớt chuông, xoài, dưa hấu, dưa lưới, đu đủ, gấc…

vitamin a tốt cho sức khỏe

2.4. Nhóm thực phẩm giàu vitamin E

Vitamin E hỗ trợ rất tốt cho hoạt động của hệ miễn dịch, giúp cơ thể đề kháng với những tác nhân gây bệnh hiệu quả hơn. Trong cơ thể, loại vitamin này sẽ tham gia vào quá trình chuyển hóa của tế bào, bảo vệ màng tế bào khỏi tình trạng oxy hóa. Những thực phẩm giàu vitamin E mà bạn cần bổ sung vào bữa ăn hàng ngày là cá, thịt ngỗng, bào ngư, đậu phộng, cải bó xôi, bơ, xoài, kiwi, nho, ô-liu, mơ, mâm xôi, măng tây, bông cải xanh, cải bắp, rau bina, rau mầm, bí đao, giá đỗ, dầu thực vật, hạt hướng dương, hạt điều, hạnh nhân…

2.5. Nhóm thực phẩm chứa lợi khuẩn

Những loại thực phẩm chứa lợi khuẩn sẽ giúp người bệnh tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, chống lại các tác nhân gây bệnh. Một số thực phẩm chứa lợi khuẩn rất tốt cho người nhiễm COVID-19 như đậu tương lên men, các loại sữa chua, phô mai, dưa bắp cải, kimchi, atisô, chuối, hành tây, tỏi, măng tây…

2.4. Nhóm thực phẩm chứa kẽm và sắt

Sắt và kẽm là những khoáng chất hỗ trợ hoạt động của hệ miễn dịch, duy trì năng lượng cho cơ thể, tăng cường trao đổi chất và tăng cảm giác thèm ăn. Người bệnh có thể bổ sung nhóm thực phẩm giàu sắt và kẽm trong thực đơn mỗi ngày như rau bina, hải sản, gan và các loại nội tạng khác, thịt bò, hạt bí ngô, diêm mạch, thịt gà, bông cải xanh, đậu phụ, cá, đậu phộng, đậu hà lan, ổi, bơ, rau diếp cá, các loại ngũ cốc, hạt mè, lòng đỏ trứng, sữa, socola đen…

thực phẩm tăng cường sức đề kháng

2.5. Nhóm thực phẩm chứa selen

Nguyên tố vi lượng selen là một chất chống oxy hóa rất tốt. Cơ thể khi được cung cấp đủ nguyên tố vi lượng này sẽ tăng cường khả năng chống nhiễm trùng. Nguồn cung cấp vi lượng selen là những loại thực phẩm như hạnh nhân, hạt hướng dương, hạt điều, cá ngừ, cá hồi, cá trích, cá mòi, tôm, thịt bò, thịt gà, trứng, rong biển, rau bina, gạo lức, đậu trắng, vừng, đậu nành…

2.6. Nhóm thực phẩm chứa omega-3

Omega-3 là một loại axit béo quan trọng mà cơ thể không tự tổng hợp được. Axit béo này đóng vai trò quan trọng trong việc chống viêm và cải thiện hệ miễn dịch. Omega-3 có nhiều trong các loại thực phẩm như cá bơn, cá trích, cá thu, cá hồi, cá mòi, cá ngừ (tươi), hàu, sữa, bánh mì, hạt lanh, bơ đậu phộng, hạt bí ngô, quả óc chó, hạt chia, cải xoăn, rau bó xôi, cải xanh, súp lơ, rau bina, đậu Hà Lan, dầu thực vật, trứng…

2.7. Nhóm thực phẩm chứa protein

Protein giúp cấu tạo nên các tế bào, các mô (gồm các tế bào miễn dịch và các kháng thể) và tham gia vào phản ứng miễn dịch của cơ thể. Khi bị thiếu protein, cơ thể sẽ bị ức chế quá trình hình thành kháng thể, dẫn đến suy giảm lượng kháng thể và khả năng tiêu diệt vi khuẩn, virus. Một số thực phẩm chứa lượng protein dồi dào mà bạn có thể bổ sung như trứng, hạnh nhân, ức gà, yến mạch, phô mai, sữa chua, bông cải xanh, thịt bò nạc, cá ngừ, diêm mạch, đậu lăng, bánh mì, hạt bí ngô, hạt chia, hạt óc chó, tôm, đậu phộng, đậu đỏ, đậu lăng, đậu gà, đậu que, chuối, bắp, bơ, táo, ổi, khoai lang, măng tây, nấm…

Cung cấp đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp cơ thể của người bệnh điều hòa hoạt động của hệ miễn dịch tốt hơn. Một chế độ ăn đa dạng, đủ chất dinh dưỡng và cân bằng những yếu tố đa lượng và vi lượng là điều bạn cần ưu tiên để nâng cao thể trạng, giảm nhẹ triệu chứng, rút ngắn thời gian điều trị và tăng tốc độ phục hồi cho cơ thể.

nhóm thực phẩm chứa protein

Những thông tin dinh dưỡng trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo. Tùy theo thể trạng, mỗi người bệnh sẽ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau.

Khách hàng nếu quan tâm đến Dinh dưỡng và việc Tiết chế dinh dưỡng cho bản thân và gia đình, đặc biệt là tư vấn Dinh dưỡng tăng sức đề kháng mùa dịch, có thể đặt lịch khám với các chuyên gia Dinh dưỡng của khoa Dinh dưỡng Tiết chế tại đây.

chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân covid

Bài viết khác
0
Zalo
Hotline