Người lao động nặng uống nước như thế nào?
Khi lao động nặng tuyến mồ hôi sẽ hoạt động mạnh khiến cơ thể tiêu hao một lượng nước lớn. Khi đó, cơ thể cần được bổ sung lượng nước cần thiết để bù vào lượng nước đã mất đi. Vậy người lao động nặng cần uống nước như thế nào cho đúng? Bạn đọc hãy cùng theo dõi trong bài viết dưới đây!
Lao động nặng là gì?
Lao động nặng là các dạng lao động, các thao tác thực hiện ở tư thế đứng hoặc đi lại nhiều, dịch chuyển và gia công các vật nặng trên 10kg gây tiêu hao năng lượng trên 250 kcal/giờ.
Khi đó, cơ thể sẽ tăng vận động cơ và tăng tiêu hao năng lượng để phù hợp với cường độ làm việc cao. Trong quá trình lao động nặng, cơ thể sẽ nóng lên dẫn đến cơ quan điều hòa thân nhiệt của cơ thể sẽ phải đáp ứng theo thông qua việc tăng tiết mồ hôi, tăng nhịp thở, giãn mạch ngoại biên…
Lao động nặng khiến cơ thể tiêu hao một lượng nước lớn thông qua tiết mồ hôi.
Do tăng tiết mồ hôi nên lượng nước tiểu cả người lao động thường giảm. Hiện tượng giãn mạch ngoại biên sẽ làm cho lượng máu qua thận giảm đi theo cường độ lao động, điều kiện lao động, nhiệt độ môi trường,… khiến cho lượng mồ hôi thoát ra có khi lên tới 3 hoặc 4 lít trong một ca lao động.
Đối với người lao động thường xuyên phải làm việc trong điều kiện thời tiết nóng bức như: công nhân xây dựng, thợ máy…nếu bị ra mồ hôi quá nhiều có thể dẫn đến mất nước tại khu vực ngoài tế bào hoặc thậm chí mất nước toàn bộ. Khi đó, nếu không được bổ sung nước kịp thời sẽ gây rối loạn sinh lý, hạ huyết áp, mạch nhanh, tiểu ít, da khô thậm chí là rối loạn tâm thần, thần kinh,.... Vì vậy, người lao động nặng cần đặc biệt chú ý đến việc bổ sung nước đúng cách để tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Triệu chứng mất nước khi lao động nặng
Khi lao động nặng hoặc chơi thể thao ở cường độ cao đều khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi. Với những người thường xuyên lao động nặng nhọc như công nhân xây dựng, thợ máy, bốc vác,...cơ thể sẽ dễ bị mất nước, tiêu hao năng lượng, gây mệt mỏi, giảm năng suất lao động và ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong đó, các triệu chứng điển hình của mất nước khi lao động như sau:
- Tiểu ít, giảm lượng nước tiểu
- Nước tiểu đặc và có màu sẫm
- Hoa mắt, chóng mặt
- Nhức đầu, ù tai
- Khô miệng, hôi miệng
- Da khô
- Đói và thèm đồ ngọt
Cơ thể bị mất nước sẽ phá vỡ sự cân bằng của nồng độ muối, lượng đường và khoáng chất trong máu, ảnh hưởng đến các hoạt động thể chất và tác động xấu đến sức khỏe. Vì vậy, khi nhận thấy các triệu chứng mất nước do lao động nặng, cần chú ý bổ sung nước đúng cách để tránh nguy hiểm đến sức khỏe.
Mất nước do lao động nặng có thể gây những tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Bổ sung nước đúng cách cho người lao động nặng
Nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển chất dinh dưỡng, thúc đẩy trao đổi chất và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Với người bình thường hoặc lao động nhẹ, uống nhiều nước sẽ giúp cơ thể sảng khoái. Tuy nhiên, với người lao động nặng, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng, cơ thể toát ra nhiều mồ hôi thì việc uống quá nhiều nước lại không tốt cho sức khỏe.
Trong quá trình lao động nặng cần bổ sung nước thường xuyên ngay cả khi không cảm thấy khát.
Nguyên nhân là do sau khi lao động nặng, mao mạch máu trong đường ruột, dạ dày ở trong trạng thái co lại, cơ bắp cũng ở trong trạng thái căng thẳng do vận động ở cường độ cao. Nếu nạp một lượng nước lớn vào cơ thể ngay thời điểm đó sẽ khiến dạ dày không kịp hấp thụ và chuyển hóa. Nước bị tích trong dạ dày, đường ruột sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu hóa, gây ra cảm giác buồn nôn, khó chịu. Bên cạnh đó, tim cũng phải làm việc nhiều hơn để điều hòa lượng nước này.
Vì vậy, để uống nước đúng cách sau khi lao động nặng, bạn cần lưu ý một số điểm sau:
- Trước khi lao động nặng khoảng 2 giờ, nên uống từ 400 - 600ml nước
- Nên uống một ít nước trước bữa ăn từ 15-40 phút
- Sau những bữa ăn bình thường không nên uống nước ngay mà nên để sau 30-40 phút.
- Trong quá trình lao động cần bổ sung nước thường xuyên ngay cả khi không cảm thấy khát.
- Thời gian uống nước cách nên cách nhau từ 15-20 phút, nên uống từ từ, mỗi lần từ 150-200ml.
- Nên uống nước ở nhiệt độ từ 15 - 20 độ C để tăng khả năng hấp thụ nước qua dạ dày vào ruột và thấm vào máu.
- Nên uống nước lọc, nước tinh khiết thay vì các loại nước ngọt có gas để tránh gây hại cho dạ dày.